Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nằm bên sông Hán ở phía Tây Bắc quốc gia. Thành phố cách biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 50 km về phía Nam (Khu phi quân sự Triều Tiên). Seoul là một thành phố cổ, từng là kinh đô của Bách Tế (18 TCN – 660) và Triều đại Triều Tiên (1392-1910). Thành phố đã trở thành thủ đô của Hàn Quốc sau khi thành lập chính phủ Hàn Quốc năm 1948. Seoul là một đặc biệt thị, trực thuộc trung ương. Với dân số hơn 10 triệu, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới tính theo dân số. Diện tích chỉ 605 km², nhỏ hơn Luân Đôn hay Thành phố New York, đây là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới. Seoul cũng là một trong những thành phố kết nối số nhiều nhất thế giới với số người sử dụng Internet nhiều hơn tất cả vùng Nam Sahara của châu Phi, trừ Cộng hòa Nam Phi ra. Thành phố còn là 1 trong 20 "các thành phố đẳng cấp thế giới".
Vùng thủ đô Seoul bao gồm thành phố cảng lớn Incheon (Nhân Xuyên), có 23 triệu dân sinh sống, là vùng đô thị lớn thứ hai thế giới sau Vùng thủ đô Tokyo. Hầu như một nửa dân Hàn Quốc sống ở Vùng thủ đô Seoul khiến nó trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của quốc gia này. Thành phố đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc và đã được xem là "Kỳ tích sông Hàn".
Seoul có 3 triệu xe đăng ký và nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên. Những năm gần đây, chính quyền vùng thủ đô đã áp dụng nhiều biện pháp để làm sạch nước và không khí bị ô nhiễm. Sự phục hồi của con suối trong trung tâm thành phố Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) đã là một dự án làm đẹp đô thị lớn.
Lịch sử
Lịch sử của Seoul có thể quay về từ 18 TCN, khi đây là kinh đô của triều đại Bách Tế. Thành phố sau này là kinh đô của nhiều nhà nước trên Bán đảo Triều Tiên. Dưới triều đại Cao Ly, thành phố được gọi là Hanseong (Hán Thành). Nó trở thành thủ đô lâu dài của triều đại Triều Tiên. Trong thời kỳ Nhật trị, nhiều phần lịch sử của thành phố bị phá hủy. Thành phố hầu như hoàn toàn bị phá hủy trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng những chính sách kinh tế năng nổ thập niên 1960 và thập niên 1970 đã giúp tái thiết thành phố rất nhanh. Trong thập niên 1990, nhiều công trình lịch sử đã được phục dựng, bao gồm Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), hoàng cung chính của triều đại Triều Tiên.
Tên gọi
Thành phố được biết đến trong quá khứ bởi các tên gọi kế tiếp nhau như Wiryeseong (âm Hán Việt: Úy Lễ Thành; Bách Tế), Hanyang (Hán Dương) và Hanseong (Hán Thành; Cao Ly và Triều Tiên). Tên hiện nay lấy từ tên trong từ Hàn cổ Seorabeol hay Seobeol, có nghĩa là "kinh thành", trước kia dùng cho Gyeongju (Khánh Châu), thủ đô của nước Tân La cũ.
Địa lý
Seoul nằm ở phía Tây Bắc Hàn Quốc, với diện tích đất đai ước tính khoảng 605,52 km², bị chia cắt thành hai nửa bắc và nam bởi sông Hán, thành phố này được bao quanh bởi 8 ngọn núi cũng như những vùng đất của đồng bằng sông Hán và khu vực phía Tây. Sông Hán đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Triều Tiên. Thời Tam Quốc ở Triều Tiên, ba quốc gia luôn cố gắng dành quyền kiểm soát vùng đất này, nơi mà có con sông được dùng làm trạm thông thương tới Trung Quốc (qua biển Hoàng Hải). Tuy nhiên con sông này hiện nay không còn được sử dụng với mục đích hàng hải nữa do cửa sông của nó nằm trên biên giới giữa hai miền Triều Tiên và bị chắn không cho dân thường qua lại.
Khí hậu
Cũng giống như phần lớn các vùng khác ở Hàn Quốc, Seoul có khí hậu ôn hòa và khí hậu lục địa, bất chấp việc Hàn Quốc bị vung quanh bởi ba mặt đều là biển. Mùa hè bình thường khí hậu nóng và ẩm, với mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Tháng 8, tháng nóng nhất trong năm, có nhiệt độ trung bình từ 22 °C đến 30 °C (72 °F đến 86 °F) và cũng có thể nóng hơn. Mùa đông thường rất lạnh nếu so sánh với các vùng ở cùng vĩ độ, với nhiệt độ trung bình tháng giêng từ -10 °C đến 1 °C (19 °F đến 33 °F), mùa đông bình thường thì khô hơn rất nhiều so với mùa hè dù bình thường trong một năm ở Seoul có khoảng 28 ngày là có tuyết.
Cảnh quan thành phố
Trung tâm cũ của Seoul thời Triều Tiên hiện nay là một nơi kinh doanh sầm uất, phần lớn những cung điện, văn phòng chính phủ, trụ sở các tập đoàn, khách sạn và chợ truyền thống đều nằm ở đây. Vùng nay bao phủ châu thổ Cheonggyecheon, với một dòng suối nhỏ chạy từ tây tới đông qua châu thổ trước khi đổ ra sông Hán. Trong nhiều năm, dòng suối này đã được tu bổ bằng xi măng và gần đây được khôi phục qua một dự án phục sinh đô thị. Về phía bắc của khu kinh doanh là ngọn núi Bukhan (Bắc Hán), về phía nam là ngọn núi Namsan (Nam Sơn) nhỏ hơn. Tiến sâu nữa về phía nam là vùng ngoại ô khu Yongsan (Long Sơn), khu Mapo (Ma Phố) và sông Hán. Qua con sông Hán là vùng khu Gangnam (Giang Nam), khu Seocho (Thụy Thảo) rất phát triển. Trung tâm Thương mại Thế giới Hàn Quốc nằm ở khu Gangnam, rất nhiều triển lãm và hội nghị được tổ chức tại đây. Tại khu Gangnam còn có COEX Mall, một trung tâm giải trí và mua sắm trong nhà lớn ở Seoul. Bamseom (Lật Đảo) là một hòn đảo nằm giữa con sông Hán gần Yeouido (Nhữ Hĩ) và trụ sở của quốc hội cũng như các kênh truyền hình lớn và một vài tòa nhà hành chính. Sân vận động Olympic, công viên Olympic và Lotte World nằm ở khu Songpa (Tùng Pha), bờ nam sông Hán. Phía nam vùng Gangnam là các ngọn núi Namhan (Nam Hán), Cheonggye (Thanh Khê) và Gwanak (Quan Nhạc).
Các công trình đáng chú ý tại Seoul có thể kể đến Tòa nhà Tài chính Hàn Quốc, Tháp N Seoul, và Trung tâm Thương mại Thế giới Seoul, Tòa nhà 63 và sáu tòa cao ốc dân dụng Tower Palace.
Những kế hoạch phát triển đô thị đã trở thành một khái niệm quan trọng khi Seoul được thiết kế để trở thành thủ đô vào cuối thế kỷ 14. Cung điện hoàng gia của Triều đại Joseon hiện vẫn nằm ở Seoul, với cung điện chính, Cung Gyeongbok, hiện đang được khôi phục nguyên trạng. Ngày nay, ở Seoul có 8 đường xe điện ngầm trải dài hơn 250 km.
Con đường đậm chất lịch sử nhất ở Seoul là đường Cái Chuông, trên con đường này người ta có thể thấy Phổ Tín Các (Bosingak), một ngôi đình có một chiếc chuông lớn. Chiếc chuông rung bốn lần trong ngày, vì vậy mà có thể kiểm soát được bốn cổng chính vào thành phố. Bây giờ thì chiếc chuông này chỉ còn được rung vào nửa đêm trong dịp năm mới, khi đó nó sẽ được rung 30 lần.
Con đường ô tô quan trọng nhất của Seoul trước đây chạy dọc đường Cái Chuông, nhưng đến đầu thập niên 1970, nó đã bị thay bởi đường ray số 1 của hệ thống tàu điện ngầm. Một vài con đường nổi tiếng khác ở Seoul bao gồm đường Eulji (Ất Chi), đường Teheran, đường Thế Tông, đường Chungmu (Trung Vũ), đường Yulgong (Lật Cốc), và đường Toegye (Thoái Khê).
Nhân khẩu
Hầu hết những người dân của Seoul là người Hàn Quốc cùng với một số ít người Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày nay, 200.000 người nước ngoài được ước tính đang sống tại Seoul, những người này bao gồm người từ Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Mỹ. Tỉ lệ phạm pháp ở Seoul là rất thấp. Dù một nửa dân số không theo đạo, hai đạo phổ biển ở Seoul là đạo Phật và đạo Cơ Đốc (mỗi đạo chiếm khoảng 25%). Những đạo khác bao gồm đạo Sa Man và đạo Khổng, tuy nhiên hai đạo sau được nhìn nhận như là triết lí phổ biển của xã hội hơn.
Kinh tế
Với việc là nơi đặt trụ sở đầu não của một vài tập đoàn lớn nhất thế giới như Samsung (Tam Tinh), tập đoàn LG, Hyundai (Hiện Đại) và Xe ô-tô Kia (Khởi Á), lĩnh vực dịch vụ tại Seoul đã phát triển nhanh chóng, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia cũng như sự phát triển của đất nước. Hàn Quốc thu được 63,2% GDP từ khu vực dịch vụ, trên cả thu nhập quốc gia bình quân. Các sản phẩm xuất khẩu chính là hàng điện tử, ô tô và thiết bị máy móc. Sự phát triển kinh tế này cũng giúp tỉ lệ thất nghiệp chỉ giữ ở mức 3,4%. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng cao, vào khoảng 2 tỉ dollar Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể bị đe dọa với một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và điều này có thể ảnh hưởng tới chính Hàn Quốc cũng như sự phát triển của đất nước này. Là một trong "bốn con hổ của Châu Á", Hàn Quốc đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc vào những năm 90. Tuy nhiên, cuốn sách CIA đã chỉ ra rằng kinh tế Hàn Quốc đã có dấu hiệu của sự tăng trưởng ở mức vừa phải trong giai đoạn từ 2003 đến 2006 với tốc độ tăng trưởng bình quân 4-5%. Sự suy giảm về tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng đã hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc, tuy nhiên sự tiêu thụ cũng đã bắt đầu dần tăng trưởng trở lại. Nhìn chung, kinh tế của Hàn Quốc đã và đang chạy với tốc độ tốt và viễn cảnh của nó là khá khả quan.
Giao thông
Giao thông của Seoul bắt đầu bùng nổ từ thời kỳ Đế quốc Đại Hàn, khi những con đường ô tô đầu tiên được đặt nền móng, một con đường nổi Seoul với Incheon được hoàn thành trong giai đoạn này. Seoul có hơn 3 triệu phương tiện giao thông được đăng kí vì vậy tắc nghẽn giao thông đã trở thành một điều thường nhật tại thành phố này.
Có hai sân bay quốc tế nằm ở Seoul. Sân bay quốc tế Gimpo (Kim Phố), từng nằm ở Gimpo nhưng đã được xáp nhập vào Seoul từ năm 1963, là sân bay quốc tế duy nhất cho Seoul từ khi được xây dựng lần đầu trong thời Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, còn một vài sân bay nội địa khác được xây dựng trong thời chiến, bao gồm một sân bay nằm ở Yeouido.
Khánh thành vào tháng 3 năm 2001, Sân bay quốc tế Incheon tại đảo Vĩnh Tông ở Incheon đã thay thế tầm quan trọng của sân bay Gimpo. Incheon hiện giờ thực hiện hầu hết tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế trừ những chuyến bay tới Sân bay Haneda ở Tokyo và Sân bay Hồng Kiều ở Thượng Hải. Điều này đã làm giảm rất nhiều tần xuất bay của sân bay Gimpo.
Sân bay quốc tế Incheon, cùng với Sân bay quốc tế Hồng Kông và sân bay Changi, đã trở thành những trung tâm vận tải quan trọng ở châu Á. Trong một cuộc đồng điều tra của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Hội đồng Sân bay Quốc tế đã bầu chọn Incheon là sân bay tốt nhất thế giới. Skytrax chọn đây là một trong 5 sân bay tốt nhất thế giới năm 2006.
Incheon và Gimpo nối với thành phố Seoul bằng đường quốc lộ, Gimpo còn được nối bằng đường điện ngầm số 5.
Các đơn vị hành chính
Thành phố đặc biệt Seoul được cấu thành từ 25 khu (gu), 15.267 động (dong). Động tương đương với thôn hoặc làng. Hơn mười năm nghìn động này lại được chia ra thành 112.734 phiên địa.
Các khu của Seoul
• Dobong-gu (Đạo Phong khu)
• Dongdaemun-gu (Đông Đại Môn khu)
• Dongjak-gu (Đồng Tước khu)
• Eunpyeong-gu (Ân Bình khu)
• Gangbuk-gu (Giang Bắc khu)
• Gangdong-gu (Giang Đông khu)
• Gangnam-gu (Giang Nam khu)
• Gangseo-gu (Giang Tây khu)
• Geumcheon-gu (Câm Xuyên khu)
• Guro-gu (Cửu Lão khu)
• Gwanak-gu (Quan Nhạc khu)
• Gwangjin-gu (Quảng Tân khu)
• Jongno-gu (Chung Lộ khu)
• Jung-gu (Trung khu)
• Jungnang-gu (Trung Lang khu)
• Mapo-gu (Ma Phố khu)
• Nowon-gu (Lô Nguyên khu)
• Seocho-gu (Thụy Thảo khu)
• Seodaemun-gu (Tây Đại Môn khu)
• Seongbuk-gu (Thành Bắc khu)
• Seongdong-gu (Thành Đông khu)
• Songpa-gu (Tùng Pha Khu)
• Yangcheon-gu (Dương Xuyên khu)
• Yeongdeungpo-gu(Vĩnh Đăng Phố khu)
• Yongsan-gu (Long Sơn khu)
Văn hóa
Âm nhạc
Là nơi quy tụ các ca sĩ , nhóm nhạc nổi tiếng của nơi này . Đặc biệt qua bài : S.E.O.U.L ( Super Junior feat Girls' Generation)
Các di tích lịch sử và bảo tàng
- Triều đại Triều Tiên đã xây dựng "ngũ cung" ở Seoul
- Cung Changdeok (Xương Đức)
- Cung Changgyeong (Xương Khánh)
- Cung Deoksu (Đức Thọ)
- Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc)
- Cung Gyeonghui (Khánh Hy)
Bảo tàng
- Bảo tàng Trung ương Quốc lập
- Bảo tàng Dân tộc Quốc lập
- Đài tưởng niệm chiến tranh
- Ngoại ô vùng đại đô thi:
- Sơn thành Namhan
- Sơn thành Bukhan
- Công viên Namsan
Chùa và đền
- Tông miếu
- Đông miếu
- Văn miếu
- Chùa Jogye (Tào Khê tự)
- Chùa Hwagye (Hoa Khê tự)
- Chùa Bongeun (Phụng Ân tự)
Thể thao
Seoul đã từng tổ chức Đại hội Thể thao châu Á 1986, Thế vận hội Mùa hè 1988 và Paralympic Games 1988. Đây cũng là một trong những thành phố chủ nhà của FIFA World Cup 2002. Sân vận động World Cup Seoul là nơi tổ chức lễ mở màn và trận đấu đầu tiên của giải đấu.
Taekwondo (Túc thủ đạo) là môn quốc võ của Hàn Quốc và Seoul chính là nơi đặt trụ sở của Quốc kỹ vện, hay còn được biết đến là Liên đoàn Taekwondo Thế giới.
Thành phố có ba đội bóng chày trong Tổ chức Bóng chày Hàn Quốc là: Doosan Bears, LG Twins, và Woori Heros. Hai đội bóng rổ trong giải bóng rổ Hàn Quốc: Seoul Samsung Thunders và Seoul SK Knights.
Ngoài ra còn có một CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Seoul là CLB FC Seoul, đội bóng tham dự giải K-league. Có hai đội bóng Giải K3 đặt tại Seoul là Seoul United và Eungpyeong Chung-goo FC.